LUKA GIỮA BẦY SÓI

LUKA GIỮA BẦY SÓI
Có một điều lạ: bóng đá – dù là một môn thể thao - lại sử dụng hệ ngôn ngữ chiến tranh. Chúng ta rất hay nghe hoặc đọc những từ như: tấn công, phòng ngự, mặt trận, đạn pháo, quyết tử, boong-ke, không chiến… Trong tiếng Anh, họ dùng chữ “shoot” hay “strike” để mô tả một cú sút. Chúng ta gọi đội tuyển Đức là “cỗ xe tăng”, gọi chung kết là “trận cầu sinh tử”, gọi giải đấu là “chiến dịch”, gọi loạt luân lưu là “đấu súng”, gọi sự tranh đua trên thị trường chuyển nhượng của các đội bóng là “chạy đua vũ trang”…
Luka Modric biết rõ ranh giới giữa “chiến tranh trên sân cỏ” và chiến tranh ngoài đời thực. Bởi vì anh đã sống ở cả hai "chiến trường" ấy.
Vài ngày qua, trên mạng lan truyền nhau một đoạn viral clip, được cắt từ một bộ phim tài liệu quý. Trong đoạn clip ấy, một cậu bé lùa đàn dê của cha đi ăn bên triền núi Velebit. Một góc máy cho thấy một đàn sói âm thầm xiết vòng vây, chờ thời cơ để xông đến kiếm một bữa no. Cậu bé không chút hoảng loạn. Quan sát địa thế, cậu chọn con đường an toàn nhất để lùa đàn dê về nhà, thoát khỏi cảnh bị xẻ thịt.
Còn một ẩn dụ nào tuyệt vời hơn cho cách chơi của Luka Modric, cầu thủ vừa nhận danh hiệu Quả bóng vàng World Cup 2018? Chẳng phải ở trên sân cỏ, giữa muôn trùng vây của bầy sói, những cầu thủ to cao hung hãn hơn, Modric luôn dừng lại một nhịp, quan sát rồi đưa quả bóng đến một vị trí an toàn đó sao?
Khi đến bên triền núi Velebit để ghi hình gần hai mươi năm trước, nhà làm phim Pavle Balenovic nào đã biết cha con Modric là ai. Ông chỉ đơn giản là xách máy đến một nơi hiểm trở, ghi lại cảnh sinh tồn của con người giữa thiên nhiên hoang dã. Ông nào biết mấy chục năm sau đó, cậu bé ấy sẽ lãnh đạo Croatia vào đến trận chung kết World Cup.
Lẽ ra Modric không phải là người chăn dê trong đoạn clip đó. Bởi vì mới vài tháng trước đó, công việc ấy thuộc về một ông già. Nắng hay mưa, đông giá hay hè oi, ông đều dẫn đang dê đi ăn cỏ rồi về nhà chơi với cháu.
Ngày 18/12/1991, ông già ấy – như mọi ngày trong năm - dẫn đàn dê ra đi. Nhưng lần này ông không quay về nữa. Một đám đàn ông mặc sắc phục đã bắt ông đi. Ông mắc một tội rất nặng: không cùng phe với họ. Ông mang tội là một người Croatia, trong khi những kẻ bắt ông đi là người Serbia. Chúng giải ông đến ngôi làng kế bên và hành quyết. Ông bỏ lại sau lưng một gia đình cùng đàn gia súc mà ông đã coi sóc trong gần như cả đời mình. Thương tiếc ông nhất là đứa cháu nội cùng tên với ông: Luka Modric.
Nhưng rồi cậu bé Luka vẫn phải gạt nước mắt, thay ông coi sóc đàn dê. Ít lâu sau khi ống kính của nhà làm phim ghi lại cảnh cậu bé lùa dê về ngôi nhà gỗ bên triền núi, căn nhà ấy bị pháo kích giật sập. Cả nhà phải dắt díu nhau đến Zadar tị nạn. Suốt nhiều năm trời, gia đình cậu bé phải sống trong khách sạn, không phải kiểu khách sạn “check in” đẹp đẽ mà một căn phòng bình dân, tồi tàn.
Luka đã chơi bóng suốt những năm tháng tị nạn ấy. Cậu bé đá bóng ở hành lang khách sạn, trong bãi giữ xe, trên những mảnh đất ngổn ngang gạch đá. Cậu đá với những đứa trẻ khác, và cả đá một mình. Cậu bị suy dinh dưỡng do ăn uống tạm bợ, nhưng dẻo dai không ai bằng. Khi được nhận vào đội trẻ của CLB NK Zadar, những người lớn ở đây nhận ra hai điều: cậu có thể làm tất cả những gì mình muốn với quả bóng và cậu luôn biết cách coi sóc bản thân rất tốt.
Thời gian trôi qua. Quả bóng đưa cậu bé đến Dinamo Zagreb, Tottenham và Real Madrid. Ở đâu cậu cũng khởi đầu hơi chật vật, nhưng đều vượt qua và trở thành nhân vật quan trọng bậc nhất. Cách chơi của cậu cũng là tính cách của cậu: đơn giản, khiêm tốn, chân thành. Cậu không bao giờ ngã vờ, không giả bộ chấn thương, không thích biểu diễn cá nhân, không cởi áo ăn mừng. Kỹ năng lãnh đạo của cậu nằm ở chỗ: khi cậu chơi tốt, cậu cũng kích cho mọi đồng đội chơi tốt.
Nhưng phía sau cơ thể gầy gò ấy là một tinh thần bất khuất. Khi đá hỏng quả phạt đền trong hiệp phụ trận gặp Đan Mạch, cậu xin HLV để mình đá quả luân lưu thứ ba, quả bản lề trong loạt đấu súng. Rồi cậu bước lên, trước người thủ môn đã đẩy được quả 11 mét trước đó, lạnh lùng sút vào chính giữa khung thành, kéo Croatia qua một thác ghềnh quan trọng. Khi có người bảo lẽ ra Croatia đã có thể ăn luôn trong hiệp phụ, Ivan Rakitic đã giãy nãy cả lên. Anh nói: “Làm ơn đi, Lukita đã kéo chúng tôi qua biết bao gian khó rồi. Bây giờ nếu chúng tôi vì anh ấy mà vất vả một chút, thì có sao đâu”.
Hiểu lựa chọn của Luka Modric khi đá quả luân lưu thứ ba ấy là hiểu tinh thần Croatia. Hình ảnh ghi sâu trong lòng mọi cầu thủ Anh là Sir Bobby Moore giương cao chiếc Cúp vàng thế giới. Hình ảnh khắc vào đầu các cầu thủ Croatia là gì? Là cú tung người sút vào… đầu một người cảnh sát của Zvonimir Boban năm 1990. Ngày ấy, Boban mới 21 tuổi, khoác áo Dinamo Zagreb đá với Red Star Belgrade trong cuộc đụng độ lớn nhất của nền bóng đá Nam Tư.
CĐV hai phe bắt đầu đánh nhau, rồi cuộc đụng độ giữa hai phe cùng với cảnh sát mau chóng lan xuống sân. Boban đá vào đầu người cảnh sát Bosnia không phải để tự vệ, mà để bảo vệ một cậu bé Croatia chuẩn bị an dùi cui. Chiến tranh Nam Tư nổ ra không lâu sau đó. Và Boban trở thành biểu tượng của đất nước Croatia non trẻ, cả trên sân cỏ lẫn ngoài đời.
Khi Modric, cũng với chiếc áo số 10 trên lưng như Boban cầm bóng bước lên, anh mang theo toàn bộ tinh thần phản kháng của một người Croatia. Hiểu được điều đó, bạn sẽ giải thích được vì sao quốc gia bé nhỏ bốn triệu dân vừa thành lập mấy chục năm lại là cường quốc thể thao, từ bóng đá, bóng chuyền cho đến bóng ném. Người Croatia xem mình là chiến binh, họ chiến đấu cho mình, và chiến cùng nhau.
Cũng là Rakitic, sau khi kết thúc trận chung kết World Cup, đã đến xin đổi áo với Luka. Anh khoe trên Instagram: “Anh không biết chúng tôi tự hào thế nào về anh đâu. Giờ chúng ta sẽ ăn mừng với người thân và người nước mình. SỐNG TRÊN ĐỜI, ĐẸP NHẤT LÀ ĐƯỢC LÀM MỘT NGƯỜI CROATIA”.
Luka luôn tự hào là một người Croatia, dẫu cho người Croatia đang chia đôi cảm xúc vì anh. Nhưng hãy nhìn Luka xem. World Cup này, anh đá nhiều phút nhất, chạy nhiều nhất, anh chạm bóng nhiều nhất, chuyền bóng nhiều nhất. Trong các cầu thủ Croatia, anh bị phạm lỗi nhiều nhất, bầm dập nhiều nhất. Trận đấu với Nga kìa, Artem Dzyuba đạp anh từ phía sau, Denis Cheryshev như muốn xé rách áo anh. Họ làm mọi cách để cản anh lại. Sau mỗi một trận knock-out, anh đều gục xuống vì kiệt sức. Nhưng cứ đến trận tiếp theo, anh lại đeo tấm băng thủ quân vào và chiến đấu lại như từ đầu.
Jorge Valdano, một nhà hiền triết trong bóng đá hiện tại, nhìn Modric thi đấu và viết: “Đấy là cách ta chơi đá bóng, đấy là cách ta cảm về bóng đá”. Bóng đá đâu chỉ có những kẻ vai u thịt bắp, hay cuồn cuộn sáu múi. Ngày trước, Modric bị lò đào tạo của Hajduk Split từ chối vì quá nhẹ cân. Arsenal, Barcelona và Bayern Munich từng khước từ anh, bảo anh nhỏ quá. Khi anh ký với Real Madrid vào năm 2012, một cuộc trưng cầu chọn Modric là bản hợp đồng tồi tệ nhất của cả mùa giải.
Anh từng nói với Daily Mail: “Cả đời tôi bị người ta hoài nghi, họ nói tôi sẽ không làm được. Họ nói tôi không đủ giỏi, không đủ to con, không đủ mạnh khỏe. Và điều ấy chỉ làm tôi mạnh mẽ lên, vì tôi muốn chứng tỏ là họ đã sai”.
Anh đã chứng tỏ được rồi. Dù là CLB hay đội tuyển, anh đều lầm lũi. Một cô bạn của tôi dùng từ “tần tảo” để nói về anh, nghe buồn cười, mà cũng thật hay. Cũng như Andres Iniesta, Modric làm cho bóng đá trở nên đơn giản vô cùng. Cần chuyền thì chuyền, cần lừa sẽ lừa, cần sút thì sút. Thảo nào Modric được ví là “Johan Cruyff của vùng Balkan”. Vì anh minh họa cho câu nói bất hủ của Cruyff: “Bóng đá là một trò chơi đơn giản, nhưng chơi bóng đơn giản lại khó nhất trên đời”.
Xem Modric đá như nghe một bản nhạc buồn vào chiều mưa: nhẹ nhàng, thư giãn, man man lãng mạn. Không lên gân, không làm quá. Anh có thể chạm bóng giữa vòng vây nhiều cầu thủ một cách nhẹ nhàng, khoái hoạt, không chút lúng túng. Anh tỉa quả bóng ra đúng vị trí cần đến, đồng đội chuyền quả bóng lỗ cỡ nào, quả bóng anh trả lại luôn luôn có lãi.
Số phận không cho Modric giương cao Cúp vàng thế giới, vì Croatia đến đây cũng là kỳ tích rồi. Anh sẽ buồn, nhưng rồi sẽ lại băng lên vào mùa giải năm sau thôi. Real Madrid mùa sau sẽ rối ren khi không còn Cristiano Ronaldo và Zinedine Zidane nữa. Ơn trời là Modric vẫn còn ở đó.
Anh sẽ lại nhìn bầy sói, rồi dẫn đàn dê về nhà.
Như cậu bé năm tuổi bên sườn núi Velebits năm ấy.

Nhận xét