NHỮNG GÌ KHÔNG HỌC Ở TRƯỜNG BÁO CHÍ

NHỮNG GÌ KHÔNG HỌC Ở TRƯỜNG BÁO CHÍ
.
Luật Chấm Câu
.
Theo kinh nghiệm của chúng tôi, luật chấm câu ở mỗi tờ báo mỗi khác. Nhiều ông/bà biên tập còn áp đặt luật riêng của họ bắt các proofreader (nhân viên sửa lỗi chính tả văn bản) răm rắp tuân theo. Chúng tôi xin giới thiệu một số luật chấm câu được áp dụng phổ thông.
Dấu phảy [,] đánh dấu một sự dừng ngắn, bên trong câu, giữa các thành tố câu không được liên kết bằng các từ nối hay các phụ từ.
Dấu phảy cũng còn dùng để tách hai thành tố có cùng chức năng ngữ pháp, đặc biệt là trong chuỗi liệt kê.
Dấu chấm phảy [;] đánh dấu một quảng dừng lâu hơn dấu phảy, giữa hai đoạn của câu có cùng tính chất, và có một độ dài nào đó.
Dấu chấm phảy có tác dụng kéo dài câu. Điều này có hại cho việc nắm bắt khi đọc.
Các phóng viên rất thường có khuynh hướng thay thế dấm chấm phảy bằng dấu chấm. Công dụng chính của dấu chấm phảy là tách các thành tố của một chuỗi liệt kê, khi mà các thành tố này khá đa dạng và bao gồm các liệt kê cấp độ nhỏ hơn, cách nhau bằng dấu phảy.
Dấu hai chấm [:] được dùng:
- để dẫn các câu nói của một nhân vật hay dẫn một trích đoạn;
- trước một chuỗi liệt kê;
- để dẫn ra một lời giải thích, một ví dụ, một sự mô tả; và
- để trình bày kết luận, kết quả, sự tổng hợp những cái trước đó mà không phải sử dụng các từ trung gian.
Dấu chấm hỏi [?] kết thúc tất cả các câu nghi vấn trực tiếp. Người ta không dùng dấu chấm hỏi ở cuối một nghi vấn gián tiếp. Ví dụ: “Anh ấy hỏi tôi có tin anh ấy không”.
Dấu chấm hỏi trong ngoặc đơn (?) thường được dùng để biểu lộ sự nghi ngờ đối với một thông tin đưa ra, một phát ngôn của ai đó.
Dấu chấm than [!] kết thúc các câu ngạc nhiên, thán phục, bất bình, thở phào. Dấu chấm than thường đi sau các từ hô khởi, tán thán (như “Nè! ôi”), và các câu mệnh lệnh mà người ta muốn nhấn mạnh: “Lại đây!”
Hãy tránh lạm dụng dấu chấm than. Nó thường làm ý nghĩa của ký hiệu bị yếu đi và thường tố giác bạn thiếu năng lực diễn đạt tư tưởng bằng các từ.
Dấu chấm lửng [...] kết thúc hay bỏ lửng một câu dang dở vì một vài lý do (như ngắt câu, ngắt lời, ngập ngừng, chuyển ý, ngừng tạm thời, xúc động, châm biếm, hiểu ngầm, nối dài phần ý tưởng không cần thiết biểu đạt...). Dấu chấm lửng là kỹ xảo của phóng viên dùng để làm biếng, né tránh việc đưa ra chi tiết mà không ai bắt bẻ được.
Dấu ngoặc kép [“”]. Người ta đặt giữa dấu ngoặc kép:
- những trích đoạn và những lời nói được dẫn nguyên văn vào bài viết;
- những từ mang nghĩa phái sinh mới, những từ hay ngữ mà nguời ta muốn đánh dấu đặc tính “lóng”, kỹ thuật, vay mượn, hoặc đánh dấu một nét nghĩa lâm thời.
.
Vài trường hợp đặc biệt
.
+ trong một trích đoạn gồm nhiều đoạn, dấu ngoặc kép được mở ra ở đầu mỗi đoạn và chỉ đóng lại một lần khi đoạn cuối kết thúc;
+ trong một đoạn thoại, dấu ngoặc kép được mở ra khi bắt đầu câu thoại đầu tiên và đóng lại sau câu cuối. Việc thay đổi bên phát ngôn sẽ được ký hiệu bằng thao tác sang hàng và gạch đầu câu;
+ trong một trích đoạn, khi tác giả của bài viết bắt đầu trở lại vai trò chủ phát ngôn, và thường thường vào giữa trích đoạn, người ta đóng ngoặc trước đoạn chèn và tiếp tục mở ra sau đoạn chèn. Tuy nhiên, khi đoạn chèn cự ngắn như: anh nói, cô trả lời, người ta chỉ đơn giản đặt nó giữa hai dấu phảy;
+ khi đoạn văn đặt giữa ngoặc kép được xét riêng rẽ, nó đòi hỏi một dấu chấm tận, dấu chấm sẽ được chấm trước khi đóng ngoặc. Ví dụ: Bạn đã hỏi tôi: “Bạn làm gì ở đây?”
Tôi trả lời: “Tôi chờ bạn.”
Những trường hợp khác, dấu chấm sẽ được đặt đằng sau dấu ngoặc kép. Ví dụ: đó là sự cáo chung của “những thuộc địa mùa hè xinh đẹp”.
Trên radio và TV, người ta đánh dấu đoạn mở đầu một trích đoạn ngắn bằng bằng cách nhắc lại tên tác giả của nó và bằng cách đó tách các từ được trích ra (khỏi mạch văn trước).
Gặp một trích đoạn dài hơn người ta sẽ đánh dấu mở đầu và kết thúc bằng “đây/đó là nguyên văn trích đoạn”.
Dấu ngoặc đơn () cô lập một từ hay một câu không cần thiết cho nghĩa khái quát của cả câu, nhưng lại có tác dụng nhằm đưa ra một chú thích, giải thích, nhắc lại khiến cho câu dễ hiểu hơn. Sự có mặt của các dấu ngoặc đơn làm các đọan văn bị manh mún.
Dấu móc [] (crochets/brackets) là một ngoặc đơn nhấn mạnh.
Trong báo chí, người ta thường dùng để tách riêng một giải thích ngắn của bài viết sau một thông tin, một thư độc giả,...
Dấu ngoặc đơn và dấu móc cũng dùng để “đóng khung” các chấm lửng nhằm biểu đạt một đoạn văn xét thấy không cần thiết phải lặp lại trong một trích đoạn. Ví dụ: “Không phải chúng ta bỏ rơi anh ta [...], chính anh ta tự xa rời chúng ta”.
Dấu ngạc ngang [-], khác với ngoặc đơn vốn làm manh mún đoạn văn; gạch ngang làm cho từ hay ngữ mà chúng ta để nằm giữa hai dấu gạch ngang trở nên có giá trị hơn. Ví dụ: “Sau cùng – tôi vỡ lẽ - bọn họ đã chẳng có một bằng chứng nào”.
Ghi chú: khi dấu gạch ngang thứ hai rơi vào cuối câu, người ta bỏ dấu ấy và chỉ đơn giản chấm câu. Ví dụ: “Sau cùng, bọn họ đã chẳng có một bằng chứng nào - tôi vỡ lẽ”.
Dấu gạch ngang còn dùng để thay đổi bên phát ngôn trong một đọan thoại và để đánh dấu các thành tố của một chuỗi liệt kê.
Chú ý: Dấu gạch ngang không bao giờ thay thế dấu chấm.
Sang hàng đánh dấu một sự dừng lâu hơn dấu chấm, sau khi triển khai một nhóm ý tưởng hoặc thông tin. Sang hàng là một phương tiện hữu hiệu giúp người đọc xả hơi, và cũng để đánh dấu các liệt khai trong tin bài.
Dấu hoa thị [*] hoặc dấu nhắc chú thích [1] được dùng để hướng dẫn theo dõi các giải thích, thường được in bằng cỡ chữ nhỏ hơn và nằm cuối cột hoặc cuối bài.
Chú thích sẽ triển khai một điểm chi tiết, ghi rõ hơn nguồn gốc của một trích đoạn, ghi rõ các nguồn đối chiếu khác. Nên hạn chế sử dụng chúng. Chú thích chỉ đặc biệt tiện dụng để làm rõ một thông tin thực hành: địa chỉ của một cơ quan, ngày, giờ mở cửa,v.v.
Trích: NHỮNG GÌ KHÔNG HỌC Ở TRƯỜNG BÁO CHÍ (Trần Công Khanh) từ trang 23 --> 27.
-----
P/s: Ở đâu cũng có Luật. Khi cần thì mang ra chơi.
Punctuation về cơ bản trong tiếng Anh là như nhau, house style của các tòa soạn nếu có khác nhau cũng chỉ là những cái nhỏ, ví dụ đơn vị tiền tệ, cách viết thứ ngày tháng v.v... chứ hiếm khi khác đến những cái này. 

Nếu muốn biết tiếng Anh (Mỹ) chuẩn 
mực bỏ dấu như thế nào thì có thể tìm đọc cuốn Elements of Style của E.B. White, writing stylist hàng đầu (nếu không muốn nói là số một) của Mỹ, hơn năm mươi năm là biên tập của tạp chí New Yorker.

Nhận xét