CÀNG NGHÈO, CÀNG TỐN TIỀN
Một số người nghĩ rằng nghèo thật ra cũng đơn giản. Bạn không có nhiều tiền thì mua ít đồ hơn, nhưng đời không đơn giản như vậy. Khi bạn nghèo, bạn không có đủ tiền để mua hàng hóa hay dịch vụ giúp bạn có lợi hơn trong dài hạn. Và chi phí khắc phục hậu quả về sau còn tệ hơn thế.
+ Ăn rẻ thì dễ đó nhưng ăn khỏe thì mắc hơn bội phần
Nếu ai từng trải qua thời sinh viên đều biết rằng kiếm cái gì bỏ bụng thì không quá khó. Mì gói là món điển hình nhất, rẻ, dễ nấu, nhanh gọn nhưng hàm lượng dinh dưỡng thì bèo bọt. Nếu bạn ăn món này liên tục trong một thời gian dài thì chắc chắn bạn không chết ngay nhưng sẽ ôm một đống bệnh khi về già.
Tôi còn nhớ thời mình còn khốn khó, thời gian là thứ quý giá nhất tôi có. Loay hoay làm thêm cả ngày hết việc này đến việc khác chỉ để kiếm sống, thời gian đâu mà tôi nấu ăn, chưa kể đến tự nấu thì tốn kém quá. Thực đơn của tôi một ngày đơn giản như sau: hôm nào chơi sang thì ăn ổ hotdog 2$, còn lại thì mì gói thẳng tiến. Còn nước uống, nếu không dùng nước thường thì tôi chỉ còn lựa chọn là nước ngọt. Sữa và nước cam ép thì mắc quá, dù có muốn “ăn khỏe” cũng đành chịu.
Giờ đây, mặc dù tôi kiếm được khá hơn, những thói quen ngày xưa cũng khó từ bỏ. Nước ngọt luôn là lựa chọn trong các bữa ăn của tôi. Mặc dù luôn tự nhủ rằng mình sẽ “ăn khỏe” khi có nhiều tiền hơn, nhưng thay đổi thói quen đã hình thành trong nhiều năm không phải việc đơn giản.
Dựa theo một nghiên cứu của Trường Sức Khỏe Cộng Đồng Harvard, một chế độ ăn khỏe mạnh tốn trung bình nhiều hơn 1,5$/ngày và 45$/tháng so với chế độ ăn thông thường. Nếu bạn có tiền, điều này không thành vấn đề. Tuy nhiên, so với mức lương tối thiểu liên bang (Mỹ) 7,25$/giờ và 40 giờ làm việc một tuần, mức tăng thêm này tương đương với gần 5% mức thu nhập cả năm của bạn. Khi chỉ với 1,5$ mỗi ngày đã ảnh hưởng đến 5% tổng lương của bạn cả năm thì không có gì ngạc nhiên khi chúng ta thường lựa chọn lon nước ngọt 1$ thay vì chai nước cam 4$. Ai quan tâm đến cái thứ “hậu quả dài hạn” khi bạn không đủ tiền trả tiền nhà hàng tháng? Không bị đuổi khỏi nhà trước đã.
Thật ra tôi luôn biết rằng sẽ có lợi khi bạn mua hàng với số lượng nhiều. Một số cửa hàng sẽ giảm giá cho hội viên nếu bạn đã mua gói thành viên của họ trước đó (lại lần nữa vấn đề là có tiền trước đã). Nếu tôi mua trước một lượng thức ăn để dành nấu cho cả tuần, chi phí có thể tiết kiệm hơn. Tuy nhiên, hoàn cảnh của tôi cũng giống như 6,8 triệu người dân Mỹ ở tầng lớp thấp, chật vật với rất nhiều công việc để kiếm sống qua ngày. Chúng tôi không có đủ thời gian nấu nướng và cũng không có đủ tiền để tiết kiệm tiền.
+ Xe cũ thì tốn nhiều tiền sửa chữa còn phương tiện công cộng thì quá tốn thời gian
Đi học, đi làm thì ai cũng cần một phương tiện di chuyển. Mua một chiếc xe hơi (cũ) đồng nghĩa với mớ chi phí duy trì hàng tháng cũng không ít. Phương tiện công cộng thì dễ chịu hơn nhưng không phải lúc nào cũng có mặt ở nơi bạn cần.
Có một nghịch lý thế này, xe càng mắc tiền thì chi phí sửa chữa càng không quá tốn kém nếu bạn đi bảo trì đúng hạn. Chiếc xe cũ tôi mua chẳng bấy lâu thì bị hư bố thắng. Bỏ ra 145$ để thay bố thắng đồng nghĩa với việc nhịn ăn nhịn mặc cả tháng, thế nên tôi đành gác lại. Một lần nọ khi thả dốc, chiếc bố hết đát cuốn thẳng vào gầm động cơ. Đoán xem, chiếc xe giờ đây hư cả bố lẫn động cơ và bắt buộc phải sửa mới chạy được. Chỉ vì trì hoãn sửa chữa cái bố, giờ đây tôi phải tốn đến 500$ để sửa chiếc xe. Tệ hơn nữa, với đồ ăn thì bạn còn có nhiều lựa chọn rẻ hơn, còn với chiếc xe bạn không có lựa chọn nào khác, dù gì cũng phải lái xe đi làm mà.
Phương tiện công cộng cũng là một lựa chọn không tồi nếu bạn không có nhiều tiền. Nếu vượt qua trở ngại về sự phân bố (một số tuyến đường thì có, số khác thì không), bạn còn phải đối mặt với một khó khăn khác: thời gian. Trễ một chuyến xe và bạn phải mất thêm 10-15 phút, một ngày chỉ có vài tiếng nghỉ ngơi và làm những việc phát triển cá nhân khác như đọc sách, học tập. Chen chúc vật vờ với dòng người đông đúc mỗi ngày chỉ khiến sinh lực bạn cạn kiệt hơn.
+ Cần phải ăn mặc tươm tất mới có cơ hội thành công nhưng vấn đề là “quần áo đẹp cũng là một vấn đề”
7 năm trước, thời còn làm cho Walmart, tôi phải tự bỏ tiền ra mua đồng phục cũng như nhân viên của các hãng bán lẻ khác. Chỉ sau một thời gian ngắn, chiếc áo xanh nhanh chóng phai màu còn đôi giày của tôi thì rách tả tơi do tính chất công việc thường xuyên phải đẩy hàng đi dưới nắng. Số tiền tôi dành dụm mua quần áo lúc đó éo le thay lại thường xuyên dùng để mua đồng phục mới. Vào thời điểm mà tôi nhận được cuộc gọi phỏng vấn một công việc khác, mặc dù trong túi chỉ còn vài chục đô tiền ăn đến cuối tháng, tôi buộc phải hy sinh để mua một bộ đồ trông được hơn. Ăn mặc tệ thì chắc chắn không xin được việc, nhưng nghịch lý thay người không có tiền đi xin việc lại bị (ngầm) yêu cầu phải mặc đẹp để có cơ hội được nhận cao hơn.
Thế giới chúng ta đang sống ngày nay thật ngộ. Những thứ mang tính hữu dụng như thức ăn, nhà ở, phương tiện đi lại nhiều lúc lại bị xem thường hơn quần áo bề ngoài. Chưa kể đối với những người thu nhập thấp, cơm lo ba bữa được đã tốt huống hồ gì nghĩ đến ăn bận đẹp. Người ta thường nhìn bạn và tế nhị báo cho bạn biết rằng cái áo bạn mặc đã cũ, đôi giày bạn mang đã sờn; người ta cứ nghĩ đơn giản là sao bạn không bỏ chút thời gian đi mua cái mới? Cái mới ư, nếu chuyện đơn giản như đi đến cửa hàng và mua, chúng tôi đã không phải chịu đựng như vậy. Dù sao đi nữa, rất nhiều người vì mặc cảm sĩ diện đã chi mua nhiều bộ quần áo để khoác lên người – thứ giúp họ thoát được định kiến xã hội – nhưng sẽ kéo chân họ vào vòng lẩn quẩn: mua quá trớn – nợ nhiều – không trả được – và đó là khi ác quỷ thật sự xuất hiện….
+ Lãi suất – tiền phạt – tiền phí sẽ vặt trụi số tiền còn lại của bạn
Thẻ tín dụng là một vị thần khi ta cần nhưng là một ác quỷ khi đến hạn. Quẹt quẹt quẹt, mọi chuyện rất đơn giản, nếu bạn đang túng thiếu (điều những người thu nhập thấp thường đối mặt) chiếc thẻ này như cái phao cứu sinh. Ác mộng chỉ thật sự xuất hiện khi bạn không trả đủ số tiền đã quẹt đúng hạn. Từ vị thế được miễn phí lãi suất, các khoản thanh toán này biến thành lãi suất cắt cổ. Từng ngày trôi qua và lãi mẹ đẻ thêm lãi con. Nếu không xoay sở mượn được đủ tiền thanh toán, chẳng sớm thì muộn bạn sẽ trở thành người nổi tiếng ở ngân hàng, mục “những cá nhân phá sản tháng này” hay ở danh sách nợ nhóm 5. Và một khi đã phá sản, bạn không còn được phép dùng tín dụng cá nhân này trong suốt một thời gian dài nữa.
Đây là những trải nghiệm của tôi ở những năm tháng khó khăn nhất trong cuộc đời. May mắn thay, bên cạnh tôi luôn có những người bạn, người thân đã giúp đỡ tôi vượt qua những giờ phút đầy khốn khó; nhiều người thì không được may mắn như vậy. Cố gắng dè xẻn chi tiêu thông minh từng ngày nhưng với bất kỳ một lỗi nhỏ nào xảy ra, công sức của bạn sẽ đi tong trong cả tháng. Nghèo không phải là cái đáng sợ, cái thật sự đáng sợ là đó là một vũng lầy mà khi bạn càng quẫy bạn càng tụt sâu thêm…
Nhận xét
Đăng nhận xét